Các ngân hàng ở Hà Tĩnh tiếp tục cảnh báo khách hàng lưu ý thực hiện các biện pháp giao dịch an toàn, khi kẻ gian tung ra nhiều chiêu trò nhằm móc túi của người dân.
Mới đây, chị T. (trú tại xã Quang Vĩnh, Đức Thọ) nhận được cuộc gọi của người đàn ông xưng là nhân viên Vietcombank, thông báo sau 1/1/2025, nếu chưa hoàn thành xác thực sinh trắc học sẽ bị tạm ngừng thực hiện các giao dịch trực tuyến và giao dịch rút tiền, chuyển tiền tại cây ATM.
Đối tượng hỏi chị T. đã xác thực sinh trắc học chưa, nếu chưa đề nghị chị kết bạn zalo, thực hiện các bước theo đường dẫn (link) mà đối tượng gửi. Do chưa xác thực sinh trắc học nên chị đã nhờ người thân làm theo hướng dẫn của đối tượng. Rất may, chị T. đã được người thân cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo nên không “sập bẫy” kẻ gian. Sau đó, chị lên ngân hàng và được nhân viên hướng dẫn cài đặt thành công sinh trắc học.
Giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu làm theo link để cài đặt sinh trắc học là một trong những hình thức lừa đảo mới mà các đối tượng lợi dụng trong giai đoạn cuối năm.
Nhân viên Vietcombank Bắc Hà Tĩnh hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học và cảnh báo các "chiêu trò" lừa đảo dịp cuối năm.
Bà Lê Thị Hiền – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Vietcombank Bắc Hà Tĩnh cho hay: “Cuối năm, nhu cầu giao dịch thanh toán, mua sắm của người dân gia tăng là cơ hội để tội phạm công nghệ cao hoạt động với nhiều “kịch bản” mới được dựng lên, tiếp cận người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo. Với số lượng khách hàng lớn, Vietcombank tăng cường truyền thông, cảnh báo khách hàng các hình thức lừa đảo mới; hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến; cách thức sử dụng dịch vụ, thực hiện giao dịch thanh toán an toàn”.
Cũng theo bà Lê Thị Hiền, các ngân hàng đang đẩy mạnh hướng dẫn cài đặt sinh trắc học nên khách hàng cần cảnh giác với các đối tượng lừa đảo có thể gọi điện tự xưng là nhân viên ngân hàng, hỗ trợ xác thực sinh trắc học, "dụ" kết bạn qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân, hình ảnh khuôn mặt hoặc yêu cầu cuộc gọi video cho mục đích thu thập giọng nói, cử chỉ để chiếm quyền sử dụng tài khoản của khách hàng hoặc sử dụng với mục đích bất hợp pháp. Để đảm bảo an toàn, khách hàng tuyệt đối không tải các app lạ; truy cập đường link lạ, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP… cho bất kỳ ai; khách hàng chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học trên ứng dụng VCB Digibank hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietcombank.
Thời gian qua, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cũng liên tục cảnh báo khách hàng các hình thức lừa đảo mới.
Theo bà Lê Thị Thanh Nga – Trưởng phòng Kế toán, Ngân quỹ (Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II), các đối tượng lừa đảo còn xưng là nhân viên ngân hàng, thực hiện cuộc gọi tư vấn như nâng điểm tín nhiệm để mở thẻ, hỗ trợ kích hoạt thẻ, dịch vụ tăng hạn mức, hủy thẻ… hoặc chào mời các ưu đãi hoàn phí thường niên, rút tiền từ thẻ, hỗ trợ thanh toán/mua hàng với mức giảm giá, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật gồm số thẻ, mã OTP... để thực hiện giao dịch giả mạo.
Ngoài ra, kẻ xấu còn giả mạo website và ứng dụng dịch vụ công (app VNeID, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế…) có chứa mã độc để kiểm soát và chiếm quyền sử dụng thiết bị của khách hàng... Agribank khẳng định không liên kết với bất kỳ đơn vị bên ngoài để cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức thẻ tín dụng và các dịch vụ trái phép thông qua cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, email giả mạo.
Tương tự, LPBank Hà Tĩnh cũng vừa thông báo đến khách hàng cảnh giác những rủi ro phát sinh khi thực hiện thanh toán qua mã QR. Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ tạo mã QR giả mạo, lợi dụng sơ hở để dán đè hoặc đặt biển có mã QR của tài khoản giả mạo tại điểm thanh toán mã QR để lừa đảo khách hàng và chiếm đoạt tiền chuyển khoản.
Ngoài ra, đối tượng xấu còn tạo mã QR giả mạo lên hóa đơn, tờ rơi giả mạo quán ăn, nhà hàng, shop online uy tín… nhằm "dụ" khách hàng quét mã thanh toán. Ngoài ra, kẻ xấu còn sử dụng hình thức lừa chuyển tiền đặt cọc của khách hàng bằng cách tạo lập fanpage, hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch, bán vé máy bay, khách sạn, homestay để lừa chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng.
Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân/thông tin thẻ/tài khoản thanh toán, mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, để không rơi vào "bẫy" của các đối tượng lừa đảo trong giao dịch ngân hàng, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân/thông tin thẻ/tài khoản thanh toán, mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào; không cài đặt ứng dụng hoặc truy cập link không rõ nguồn gốc và không cấp quyền trợ năng (Accessibility) cho ứng dụng; không thực hiện bán, cho thuê, cho mượn, mở hộ tài khoản thanh toán…, tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng thông tin, tài khoản thanh toán trong các mục đích giao dịch bất hợp pháp. Các hành vi bán, cho thuê, cho mượn, mở hộ tài khoản thanh toán… là hành vi vi phạm pháp luật.
Khách hàng sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR cần kiểm tra thông tin trước khi quét mã QR.
Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng nên khóa thẻ, tài khoản thanh toán; trình báo cơ quan chức năng nếu phát hiện các trường hợp yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ/tài khoản thanh toán; thường xuyên cập nhật các thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện truyền thông và kênh thông tin chính thức của ngân hàng.
Với khách hàng sở hữu cơ sở kinh doanh sử dụng mã QR, cần thường xuyên rà soát các mã QR đặt tại cơ sở bán hàng, địa điểm kinh doanh nhằm phát hiện kịp thời và gỡ bỏ các mã QR giả mạo. Những khách hàng sử dụng hình thức thanh toán qua mã QR cần kiểm tra thông tin trước khi quét mã QR…